Di sản Ozu_Yasujirō

Ozu trên tạp chí The Mainichi Graphic xuất bản vào tháng 8 năm 1951

Trong số hơn 40 bộ phim Ozu thực hiện trong giai đoạn 1927-1945 nhiều phim đã bị thất lạc và một số chỉ mới được tìm lại từ thập niên 1970 trong các kho chứa của những hãng phim lớn,[91] người ta không thể tìm lại được 18 bộ phim của đạo diễn trong đó có phim đầu tay của ông là Zange no yaiba.[67] Sự mất mát này khiến người ta khó có thể xây dựng được hình ảnh toàn diện về hoạt động điện ảnh của Ozu cũng như đóng góp của đạo diễn cho nền điện ảnh Nhật ở giai đoạn đầu sự nghiệp.[92] Tuy phong cách thực hiện tỉ mỉ, cầu toàn và mang đậm dấu ấn cá nhân khiến Ozu không có người kế tục trong phong cách đạo diễn vì gần như không ai có thể bắt chước lại cách làm này,[93] nhiều bộ phim của ông vẫn mở ra những đề tài mới cho điện ảnh Nhật Bản và được nhiều đạo diễn ở thế hệ sau khai thác. Ví dụ bộ phim xuất sắc năm 1932 của ông là Umarete wa mita keredo là tác phẩm đầu tiên đề cập tới mối quan hệ gia đình giữa một người cha nhu nhược và đứa con mạnh mẽ, đề tài được lặp lại trong một số phim Nhật Bản sau này như Jarinko Chie (Chie, cô bé hạt tiêu, 1981), phim hoạt hình của Takahata Isao, Gumo furo (1982) của Mazaki Mamoru hay Muno no Hito (1991) của Takenaka Naoto.[94][95] Bộ phim Wakaki hi do Ozu đạo diễn năm 1929 cũng là một trong những phim Nhật đầu tiên nói tới cuộc sống của những sinh viên, tầng lớp chỉ được điện ảnh Nhật Bản tập trung khai thác từ thập niên 1970.[96] Các bộ phim giản dị, tĩnh lặng ở giai đoạn sau của Ozu vốn phản ảnh những giá trị và hình ảnh cũ của Tokyo và gia đình Nhật Bản, vì vậy sau khi đạo diễn qua đời năm 1963, hầu như không đạo diễn Nhật nào còn tìm cách lặp lại khái niệm về sự thanh thản này.[97] Mãi tới thập niên 1990 thì sự chán nản với cuộc sống công nghiệp và mong muốn quay trở lại những giá trị truyền thống mới khiến các bộ phim của Ozu trở thành hình mẫu điện ảnh mới, Ichikawa Jun đã thử nghiệm phong cách thực hiện phim rất riêng của Ozu trong Tokyo kyodai (1995), Tokiwaso no seishun (1996) và Tokyo yakyoku (1997), đây là những tác phẩm mô tả một Tokyo tĩnh lặng, bình thản theo kiểu Ozu.[97][98] Một số đạo diễn khác cũng tìm cách khắc họa những chi tiết nhỏ nhặt không đáng kể trong cuộc sống của tầng lớp bình dân theo kiểu Ozu như Shimazu Mikio với Tokyo hiyori và đặc biệt là Haneda Sumiko với Kabuki yakusha nizaemon kataoka - Tosen no maki (1995), bộ phim được coi là gần gũi nhất với những tác phẩm của Ozu.[98]

Nếu như những bộ phim của Mizoguchi Kenji hay Kurosawa Akira được điện ảnh thế giới biết tới và đánh giá cao ngay từ đầu thập niên 1950 thông qua các liên hoan phim ở châu Âu thì tài năng của Ozu Yasujirō hay Naruse Mikio chỉ được giới thiệu ở phương Tây hai hoặc ba mươi năm[99] sau đó với lý do là người Nhật không tin rằng khán giả phương Tây có thể cảm thụ được những bộ phim mang đậm phong cách Nhật Bản của Ozu hay Naruse, những tác phẩm mà ngay ở Nhật cũng chưa bao giờ đạt thành công về mặt thương mại vì vậy phim của Ozu không được các hãng phim gửi tham gia dự tranh tại những liên hoan phim quốc tế.[100][101][102] Bản thân đạo diễn về cuối đời cũng nhận xét rằng điện ảnh Nhật Bản có hai dòng chính, "bè cao" với đại diện tiêu biểu là Mizoguchi hay Kurosawa và "bè trầm" với đại diện là ông và Naruse.[32] Thông qua những bộ phim của Ozu, khán giả phương Tây dần có được khái niệm về tâm hồn bình thản và kìm nén của người Nhật cũng như mô hình của một gia đình Nhật Bản kiểu truyền thống trong đó mọi thành viên đều có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ.[97][103] Đạo diễn nổi tiếng người Pháp François Truffaut nhận xét rằng: "Tôi chưa từng được xem bộ phim Nhật nào có được vẻ đẹp lạ thường như phim của Ozu. Điện ảnh của ông ấy mang tính Nhật Bản một cách hết sức sâu sắc."[104] Tuy vậy, phong cách của Ozu được nhiều nhà phê bình ngợi khen là luôn mang tính thời đại và phù hợp với mọi nền văn hóa.[16] Yoshida Kiju, tác giả cuốn Ozu ou l'anti-cinéma cũng cho rằng Ozu không hoàn toàn là một đạo diễn theo phong cách truyền thống Nhật Bản, quan niệm thẩm mỹ trong phim của ông được tạo ra bởi chính Ozu chứ không hoàn toàn tuân theo mỹ học truyền thống của nước Nhật.[32] Quan điểm này của Yoshida được một nhà phê bình điện ảnh Nhật khác là Hasumi Shiguehiko, tác giả cuốn Yasujiro Ozu tán thành.[105] Nhiều bộ phim của Ozu cho đến nay vẫn được coi là những kiệt tác của điện ảnh thế giới như Umaretewa mita keredo, Banshun, Samma no aji và nhất là Tokyo monogatari, bộ phim thường xuyên nằm trong danh sách những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại.[106][107][108]

Theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người có tác phẩm Trăng nơi đáy giếng chịu ảnh hưởng của Ozu, thì hầu hết các nhà làm phim chuyên nghiệp quốc tế mà ông đã gặp đều coi những bộ phim của Ozu có một phong cách riêng, phong cách Ozu, và đều rất yêu thích phong cách đó.[109] Năm 2003 nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của Ozu, hãng Shochiku đã mời đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền thực hiện bộ phim Café Lumière với nhiều chi tiết nhắc nhớ lại Tokyo monogatari của Ozu, theo Hầu Hiếu Hiền, sau khi xem xong Café Lumière, khán giả sẽ hiểu hơn những bộ phim của Ozu nếu thưởng thức lại chúng,[71] bộ phim đã được chọn dự thi chính thức tại Liên hoan phim Venezia.[110] Cũng trong năm 2003, đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami cho ra đời một bộ phim tài liệu có tên Panj (Năm) gồm năm phim ngắn quay theo phong cách Ozu, Kiarostami làm bộ phim này để tưởng nhớ tới đạo diễn Nhật Bản mà ông yêu thích.[111] Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Ozu, một hội thảo lớn về Ozu đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào đúng ngày sinh nhật của ông, 12 tháng 12.[112] Bản thân Hầu Hiếu Hiền, một đạo diễn phim nghệ thuật nổi tiếng, cũng là người yêu thích phim của Ozu và có nhiều bộ phim nghệ thuật mang phong cách chậm rãi tương tự như Ozu, mặc dù vậy theo đạo diễn thì phong cách làm phim của ông và Ozu là không hẳn giống nhau.[113] Ngoài Hầu Hiếu Hiền, nhiều đạo diễn tên tuổi khác của điện ảnh thế giới cũng tỏ sự mến mộ và kính trọng đối với phong cách của Ozu như Wim Wenders, Aki Kaurismäki hay Paul Schrader.[114] Đạo diễn người Phần Lan Aki Kaurismäki nhận xét: "Tuy chịu ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ nhưng tôi vẫn hết sức kính trọng Ozu, người không cần dùng tới những vụ án mạng, những hành động bạo lực, nhưng vẫn đạt tới được sự tinh túy trong cuộc sống con người", nhà điện ảnh Đức Wim Wenders thì bộc lộ: "Với tôi, những bộ phim của Ozu là một kho báu thiêng liêng của điện ảnh, vì thế việc viếng thăm ngôi mộ của đạo diễn cũng phần nào đó giống như một cuộc hành hương vậy".[11] Win Wenders từng thực hiện một bộ phim tài liệu về Ozu có tựa đề Tokyo-Ga (1985),[115] bộ phim đã được chọn tham gia Liên hoan phim Cannes 1985 ở hạng mục Un Certain Regard.[116] Paul Schrader, tác giả của American Gigolo, đã viết cuốn sách Transcendental style in film: Ozu, Bresson, Dreyer để phân tích ảnh hưởng của đạo diễn người Nhật đối với riêng ông và điện ảnh phương Tây, trong các cuộc bầu chọn phim hay nhất Schrader cũng luôn bầu cho Tokyo monogatari ở vị trí thứ nhất vì ông yêu thích bộ phim này và tin rằng mọi người cũng sẽ bầu tương tự như ông.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ozu_Yasujirō http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a11161279 http://www.cahiersducinema.com/article1337.html http://www.festival-cannes.com/en/archives/ficheFi... http://ca.encarta.msn.com/encyclopedia_761580453/O... http://www.objectif-cinema.com/evenements/0385.php http://archive.sensesofcinema.com/contents/directo... http://rogerebert.suntimes.com/apps/pbcs.dll/artic... http://www.wim-wenders.com/movies/movies_spec/toky... http://movies.yahoo.com/movie/1808655920/details http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?...